ESG Education & Business tham dự sự kiện diễn đàn kinh tế Hồ Chí inh HEF 2023
ESG Education & Business tham dự sự kiện diễn đàn kinh tế Hồ Chí inh HEF 2023.
Tại diễn đàn, Ông Nguyễn Đình Quyền – Founder đã trao đổi và hội kiến nhiều khách quốc tế quan trọng và có những định hướng phát triển cùng nhau trong thời gian tới.
HEF là sự kiện quốc tế được UBND TP.HCM tổ chức thường niên từ năm 2018. HEF 2023 có sự tham gia của hơn 1.200 đại biểu đến từ các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF); các nhà quản lý và lãnh đạo các địa phương nước ngoài đến từ 21 quốc gia.
Ngoài ra còn có đại diện các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước; các chuyên gia trong nước và chuyên gia ở các quốc gia thành công trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững của thế giới.
Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao sáng kiến của TP.HCM trong việc tổ chức diễn đàn kinh tế về tăng trưởng xanh, nhằm chuyển hướng và tạo động lực mới cho nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững, đóng góp quan trọng về thực hiện cam kết và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia.
Theo phó thủ tướng, TP.HCM là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất, ước 57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước. Về cơ bản nền kinh tế của thành phố chủ yếu vẫn phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính và chưa được xanh hóa; công tác bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ song còn nhiều vấn đề đặt ra, nhiều việc phải làm tích cực hơn.
Vì vậy, theo ông, cần xem diễn đàn là cơ hội trao đổi, học hỏi cùng tiến tới nhận thức chung để hành động. Vì với kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng mới bắt đầu triển khai nên chưa có nhiều kinh nghiệm.
Sự hiện diện của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực phát triển bền vững; đại diện lãnh đạo địa phương một số quốc gia giàu kinh nghiệm như Bỉ, Đức, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,… đại diện lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như WEF, UNDP, ADB,… các nhà quản trị từ các doanh nghiệp hôm nay là cơ hội rất tốt để các địa phương chia sẻ và học hỏi các bài học kinh nghiệm, các chính sách, mô hình tốt.
Việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cần theo từng chủ đề và nhóm đối tượng phù hợp, với nhiều phương thức khác nhau, đi cùng với đó là các hoạt động trao đổi bên lề.
Cần sự hỗ trợ quốc tế
Chuyển đổi xanh và tăng trưởng xanh tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới nhưng cũng đòi hỏi nguồn lực lớn, bao gồm: như tài chính, để các doanh nghiệp có thể đầu tư vào các công nghệ xanh, hiệu quả, giảm thiểu chi phí sản xuất và xử lý chất thải. Ngoài ra còn có vấn đề nhân lực, cả về kiến thức và kỹ năng, là yếu tố then chốt để các doanh nghiệp có thể thực hiện được các ý tưởng và giải pháp về kinh tế xanh. Quan trọng không kém là công nghệ.
Để huy động được nguồn tài chính xanh, ngoài vai trò của các ngân hàng thì rất cần sự tham gia và hợp tác chặt chẽ của các tổ chức tài chính quốc tế, với các cam kết hỗ trợ cho phát triển.
“Diễn đàn được coi như một khởi động; sau diễn đàn, những hành động diễn ra trong thực tế tiếp theo mới quyết định sự thành công. Trong đó, hành động đòi hỏi một sự tương tác, phối hợp ở nhiều mức độ, cấp độ từ trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến người dân”, phó thủ tướng lưu ý để làm sao TP.HCM có một chương trình thành công.